'Tôi sẽ không bao giờ tha thứ'
Oneway.vn - Khi tôi kết hôn và chuyển đến sống với gia đình chồng, có nhiều mâu thuẫn xảy ra.
Tôi chưa trưởng thành và rất nóng tính, nên đã tuôn ra nhiều lời cay nghiệt với cha mẹ chồng. Tôi tiếp tục giận dữ suốt nhiều ngày sau cuộc cãi vã gay gắt, và cuối cùng mẹ chồng tôi gọi tôi là “một đứa chẳng ra gì”, một người mà chẳng ai muốn giữ, chẳng ai yêu thương và cũng chẳng ai chào đón.
Chồng tôi thường đứng về phía cha mẹ anh. Sau một năm, tôi đã bỏ đi. Tôi nghĩ rằng sự ra đi này đánh dấu chấm hết cho những bạo hành bằng lời nói mà tôi đã phải chịu đựng. Tuy nhiên, tôi mang theo rất nhiều tức giận và tổn thương đã tích lũy kể từ ngày bước đến căn nhà ấy, cho đến ngày tôi bị gọi là một đứa chẳng ra gì.
Những lời lăng mạ để lại vết thương sâu sắc nơi lòng tôi. Trong những giây phút đen tối nhất, tôi thậm chí còn ước những điều bất hạnh nhất sẽ xảy ra cho gia đình chồng mình.
Trong thời gian đó, tôi ở với một người bạn trong Hội thánh.
Mục sư và cố vấn của tôi đã luôn quan sát những đấu tranh trong gia đình tôi, và họ liên tục hối thúc tôi mang mọi việc đến trước Chúa. Trong ngôi nhà yên tĩnh, tôi bắt đầu tìm kiếm Chúa thông qua Lời Ngài. Càng tìm kiếm, tôi càng bị cuốn hút bởi những lời hứa của Chúa trong thời gian tồi tệ nhất: Chúa biết rõ từng giọt nước mắt tôi rơi xuống (Thi thiên 56:8); Kế hoạch Ngài dành cho tôi luôn tốt lành.
Trong những lúc tuyệt vọng, khi tổn thương nhất, những lời hứa của Chúa về tương lai tôi đã kéo tôi lại gần Ngài. Nhờ Kinh thánh, Chúa liên tục dẫn tôi đến chỗ ăn năn và đầu phục.
Nhưng trong tôi vẫn đấu tranh dữ dội. Mặc dù không còn ở với gia đình chồng, nhưng những cuộc gọi điện thoại với chồng đã khơi gợi lại ký ức đau đớn và nỗi tức giận trong tôi. Chồng tôi tiếp tục ở cạnh cha mẹ anh, và khăng khăng rằng tôi nợ họ một lời xin lỗi. Cảm giác như tất cả mọi người đều đang buộc tội tôi.
CHÚA LÀ ĐẤNG BẢO VỆ TÔI
Sau tất cả, tôi chất vấn Chúa. Tôi nói với Ngài: “Thật không công bằng khi con phải trải qua tất cả những điều này. Con không lấy chồng để bị bắt nạt. Ai cũng có một người sẵn sàng bảo vệ, trừ con. Ai sẽ lắng nghe con? Tại sao con không thể thoát ra tất cả những chuyện này? Ước rằng con dính vào một trận chiến khác, trận chiến mà con có thể xoay sở hay trốn thoát. Nhưng con đâu được chọn những trận chiến của mình?”
Khi “vật lộn” với Chúa, tôi được nhắc nhở về Rô-ma 8: 31-32: “Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?”
Khi đọc những lời đó, tôi cảm thấy Chúa đang nói chuyện với tôi, đảm bảo với tôi rằng Ngài luôn ở bên và sẽ ban cho tôi sức mạnh để vượt qua tình huống này. Khi tiếp tục đọc câu 34 và 35, tôi được nhắc nhở rằng: không có sự lên án nào trong Đấng Christ, và không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa.
Tôi bắt đầu thấy rằng Chúa không hề bất công, và cảm nhận được rằng Ngài thực sự đang ở bên tôi. Thậm chí khi cả thế giới này đều lên án tôi, nhưng chắc chắn Chúa thì không. Đấng Christ đã hy sinh cho tôi. Không có gì có thể chia rẽ tôi khỏi tình yêu Chúa.
Khi dựa vào Lời Chúa trong Rô-ma 8, tôi bắt đầu nhìn tình huống của mình ở một khía cạnh khác. Tôi thấy mục đích của những tổn thương này. Qua nó, tôi được trải nghiệm sự bảo vệ và an ninh trong Chúa. Ngay cả khi bị mọi người xung quanh lên án, tôi vẫn tìm thấy hy vọng nơi Chúa. Chúa dùng những điều này để cho tôi thấy tình yêu Ngài. Nếu không bị loài người làm tổn thương, tôi đã không quay về với Chúa. Chúa đã kéo tôi trở lại với Ngài trong sự thành tín, và cho tôi thấy những phước lành. Tôi không thể phủ nhận chủ quyền của Chúa trong suốt những sự việc này.
Rô-ma 8 an ủi tôi, còn Ma-thi-ơ 7: 3-5 đã kết án tôi.
“Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được”.
Những câu Kinh thánh này đã vạch trần cốt lõi tình huống của tôi. Nếu tôi nói rằng mình không có lỗi, thì rõ ràng tôi đang tự dối lòng mình.
Tôi hét vào mặt cha mẹ chồng mình thay vì tôn trọng họ. Tôi đã thô lỗ với họ, và điều đó không đẹp lòng Chúa. Những câu này nhắc nhở rằng tôi chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, mà không chịu nhận là mình cũng có lỗi.
Tôi nợ gia đình chồng một lời xin lỗi.
Tôi biết mình cần phải ăn năn. Nhưng thật sự mà nói, thật khó để làm được như vậy khi cả chồng tôi và gia đình anh đều không hề tỏ ra hối hận vì đã làm tổn thương tôi. Họ vẫn khẳng định rằng họ không có lỗi. Thật không công bằng nếu tôi cứ giả vờ như không có gì xảy ra và để họ tiếp tục bắt nạt tôi.
Tự do tha thứ
Theo thời gian, Chúa khích lệ và làm mới tâm trí tôi. Khi tiếp tục đọc Kinh thánh, tôi ngày càng nhận ra rằng mình là đứa con quý giá của Chúa, chứ không phải là một đứa chẳng ra gì.
Trong giây phút tan vỡ, tôi đã học được cách neo chắc mình nơi Chúa. Tôi không còn bước đi trong đống đổ nát của những bất công, tức giận và tuyệt vọng. Nhưng giờ đây tôi có thể nhìn mọi việc theo quan điểm của Chúa, tràn đầy hy vọng và mục đích tốt đẹp. Tôi quyết tâm không quay trở lại con người cũ, bị bắt làm nô lệ cho những oán trách và tuyệt vọng.
Lần đầu tiên tôi cố gắng xin lỗi gia đình chồng, họ vẫn rất lạnh lùng và tuôn ra những lời xúc phạm, lên án. Nhưng tôi giữ vững lời hứa Chúa ban, và tiếp tục kiên trì. Qua một thời gian dài chịu đựng và kiên nhẫn, chồng tôi và gia đình anh cuối cùng đã nhẹ lòng và một lần nữa chấp nhận tôi như một thành viên gia đình họ.
Trong quá trình ấy, tôi đã phải hy sinh, chịu đựng và đau lòng vô cùng, nhưng Chúa cho tôi thấy rằng phải chiến thắng cái ác bằng điều lành (Rô-ma 12:21). Câu nói nổi tiếng của Martin Luther King Jr. cộng hưởng với tôi: “Bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Căm ghét không thể loại bỏ căm ghét; chỉ có tình yêu mới làm được điều đó. Cách duy nhất để trải nghiệm sự tha thứ và tha thứ cho người khác là tự mình trải nghiệm tình yêu Chúa dành cho chính chúng ta”.
Sau khi hòa giải, chồng tôi mua một căn nhà mới, và cha mẹ chồng cũng đã chúc phước khi chúng tôi ra riêng. Nhưng điều quan trọng hơn cả sự hòa giải này là tôi đã nhận ra: có Chúa trong đời là điều tốt nhất, đặc biệt khi tôi đối mặt với những xung đột, thử thách. Không có điều gì xảy ra mà không phải vì tình yêu Chúa dành cho tôi. Điều đó thúc đẩy tôi sống một cuộc đời xứng đáng với Ngài và tỏa ra tình yêu Ngài cho người khác. Không gì có thể vượt hơn giá trị của việc tôi nhận biết Chúa.
Khi thấy việc làm tốt lành của Chúa để cứu tôi khỏi bóng tối, tôi có thể tha thứ cho người khác dễ dàng hơn.
Bài: Lee Deborah; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thir.st)
bình luận