Các nhóm Cơ Đốc giáo hoang mang và dè dặt sau sự cố “thả Kinh Thánh” tại Hàn Quốc

Quốc tế
02:52 17/07/2025

Oneway.vn – Khi Eric Foley nghe tin cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ sáu công dân Mỹ vào cuối tháng Sáu vì đã thực hiện “chiến dịch thả chai gạo,” ông cảm thấy một nỗi lo sợ âm ỉ dâng lên.

Một nhóm 6 người Mỹ đã cố gắng ném 1.600 chai nhựa chứa Kinh Thánh, gạo, các tờ tiền 1 đô la Mỹ và USB xuống biển từ bờ đảo Ganghwa – một hòn đảo gần khu vực phía nam Triều Tiên – với hy vọng rằng chúng sẽ trôi về phía Bắc Hàn. Cảnh sát đang điều tra nhóm người Mỹ này vì bị cáo buộc vi phạm luật an toàn và quản lý thiên tai.

Foley lập tức nhớ lại vụ việc vào tháng 6/2020, khi cảnh sát Hàn Quốc truy tố ông và tổ chức của ông – Voice of the Martyrs Korea (VOMK) – vì đã sử dụng bóng bay để gửi Kinh Thánh vào Triều Tiên. Sau cuộc điều tra, cảnh sát quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông.

“Dù vậy, điều đó không làm tôi nản lòng trong việc giữ lời hứa với các tín hữu ngầm là sẽ tiếp tục đưa thêm Kinh Thánh vào Bắc Hàn,” Foley nói.

Hiện vẫn chưa có thông tin công khai về danh tính sáu người Mỹ bị bắt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận họ đã biết về các báo cáo truyền thông liên quan, đang theo dõi tình hình, nhưng không thể cung cấp thêm thông tin vì lý do bảo mật cá nhân.

Foley cho biết ông đã nhận được các câu hỏi từ cả phía giới chức Mỹ và Hàn Quốc về nhóm người bị bắt giữ, tuy nhiên ông và các tổ chức khác hoạt động vì Bắc Hàn đều không biết họ là ai.

“Chúng tôi không liên quan đến nhóm này và hoàn toàn không biết về các hoạt động của họ,” Foley chia sẻ. Ông cảm thấy lo ngại khi họ đến Hàn Quốc để thực hiện một công việc có vẻ đơn giản, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro mà rất nhiều người đã phải trả giá đắt.

Các tổ chức và Hội thánh Cơ Đốc giáo tại Hàn Quốc phục vụ Bắc Hàn suốt hàng thập kỷ qua lo sợ sự việc lần này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực tiếp cận đất nước khép kín này. Bắc Hàn – được chính thức gọi là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) – luôn đứng đầu trong danh sách những nơi nguy hiểm nhất đối với Cơ Đốc nhân: bị phát hiện sở hữu Kinh Thánh có thể dẫn đến lao động khổ sai hoặc xử tử.

Tùy vào chính quyền đương nhiệm, chính sách của Hàn Quốc đối với việc gửi thông tin vào Bắc Hàn cũng thay đổi. Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in – người theo đuổi chính sách hòa giải – chính phủ đã thông qua luật cấm các hành vi vi phạm thỏa thuận liên Triều, như thả bóng bay phát tờ rơi vào Bắc Hàn.

Tuy nhiên, dưới chính quyền bảo thủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol, Bộ Thống nhất – cơ quan phụ trách quan hệ liên Triều đã đảo ngược lập trường này. Năm 2023, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tuyên bố luật này là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Dù vậy, cảnh sát địa phương vẫn tiếp tục theo dõi các hoạt động thả bóng bay để tránh những hành động trả đũa từ phía Bắc Hàn.

Tổng thống mới đắc cử Lee Jae-myung cam kết sẽ nối lại đối thoại và mở lại các kênh liên lạc với miền Bắc.

Tại cuộc họp báo ngày 3/7 đánh dấu tháng đầu nhậm chức, ông Lee nói:

“Thật là dại dột nếu hoàn toàn cắt đứt đối thoại. Chúng ta nên lắng nghe, dù có không thích đi chăng nữa.”

Vào tháng Sáu, để giảm căng thẳng giữa hai miền, ông Lee đã ra lệnh cho quân đội Hàn Quốc ngừng phát thanh tuyên truyền chống Bắc Hàn tại khu vực biên giới. Bộ Thống nhất cũng kêu gọi các nhà hoạt động chấm dứt việc thả truyền đơn.

Tuy nhiên, Tổ chức Defense Forum Foundation có trụ sở tại Virginia (Hoa Kỳ) tin rằng các hoạt động thả chai gạo và bóng bay vẫn là điều cần thiết. Trong nhiều năm, họ đã hợp tác với các người đào thoát Bắc Hàn – những người đang làm đúng công việc mà sáu công dân Mỹ bị cáo buộc thực hiện: thả các chai chứa gạo, tiền, USB, và Kinh Thánh nhỏ vào biển để gửi thông tin vào Bắc Hàn.

Suzanne Scholte, chủ tịch tổ chức, cho biết bà không biết sáu người Mỹ bị bắt là ai. Nhóm “Operation Truth” của bà vừa trở về từ châu Âu trong Tuần lễ Tự do Bắc Hàn thì nghe tin vụ bắt giữ.

Bên cạnh thả chai, nhóm còn sử dụng bong bóng khí heli, túi nhựa khổng lồ thả theo dòng hải lưu, và phát sóng đài phát thanh để đưa thông tin vào Bắc Hàn.

Scholte thậm chí nghi ngờ rằng đây có thể là tin giả nhằm đe dọa các nhóm hoạt động.

“Tôi không thấy khả thi rằng sáu người Mỹ lại thực hiện những việc như vậy, bởi vì chính những người đào thoát Bắc Hàn mới là người làm việc này hiệu quả nhất,” bà nói. “Họ phát triển các phương pháp vì họ biết cách nào để đưa thông tin vào.”

Các người đào thoát thường chia sẻ rằng thông tin từ bên ngoài, như tờ rơi hay đài phát thanh sóng ngắn chính là chất xúc tác khiến họ quyết định trốn thoát. Vì vậy, bất chấp sự phản đối và nguy cơ bị bắt giữ, nhóm sẽ tiếp tục âm thầm thực hiện sứ mạng của mình.

“Chúng tôi sẽ cẩn thận hơn và phát triển các tuyến đường mới,” Scholte cho biết.

Các nhóm khác nhau – cả tôn giáo lẫn chính trị – đã từng thả bóng bay mang theo các vật dụng như hộp phát truyền đơn, loa nhỏ dùng pin, USB chứa nhạc K-pop, phim truyền hình Hàn Quốc và bản rút gọn của Kinh Thánh.

Đáp lại, Bắc Hàn đã thả hơn 7.000 quả bóng chứa rác như giấy vệ sinh, đất và pin xuống miền Nam vào năm ngoái để trả đũa “hành động thường xuyên rải tờ rơi và rác rưởi” từ phía Hàn Quốc.

Foley cầu nguyện xin Chúa ngăn cản các nhóm nước ngoài khác thực hiện những nỗ lực tương tự. Ông lo sợ những hành động như vậy sẽ dẫn đến hậu quả lớn hơn, không lường trước được.

Dù sáu người Mỹ có thể rời khỏi Hàn Quốc, nhưng vụ việc này có thể khiến các tổ chức như VOMK bị giám sát nghiêm ngặt hơn và gây ra sự nghi ngại trong công chúng.

Jongho Kim, chủ tịch tổ chức Sáng kiến Hòa giải Đông Bắc Á (NARI) nơi kết nối tín hữu từ Đông Á và Hoa Kỳ nhằm đối thoại về hòa giải đồng tình.

Theo ông Kim, vụ việc không phải là hành vi bách hại tôn giáo mà là vấn đề pháp lý theo luật pháp của chính phủ Hàn Quốc.

“Các hành động không được phối hợp hoặc cho phép bởi chính phủ Hàn Quốc rất dễ bị xem là khiêu khích, phá vỡ bầu không khí đối thoại mong manh,” ông nói.

Bắc Hàn đã đóng cửa biên giới từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 và hầu như chưa mở lại. Dù đã cho phép du khách phương Tây vào thành phố Rason vào tháng 3 vừa rồi, Bắc Hàn lại đột ngột ngừng tiếp khách mà không nêu lý do.

Điều này cũng ảnh hưởng đến cách các tổ chức Kitô giáo phục vụ ở đó.

Kim lo ngại rằng vụ việc sẽ cản trở nỗ lực xây dựng đối thoại và tạo cầu nối thông qua các diễn đàn mà NARI tổ chức. Ông nói:

“Việc hòa giải với Bắc Hàn là công việc vô cùng nhạy cảm, đòi hỏi nhiều năm xây dựng lòng tin.”

Tuy vậy, ông tìm thấy sự định hướng nơi dụ ngôn người gieo giống. Hòa giải là một quá trình dài hạn, giống như vun xới đất tốt để một ngày kia hạt giống sinh ra mùa gặt bền vững.

“Những hành động được cho là liều lĩnh – dù mang ý tốt – cũng có thể khiến lòng người thêm chai cứng,” ông nói.

Foley đồng ý rằng cần kiên nhẫn trong việc phục vụ Bắc Hàn, nhưng ông cũng khích lệ Cơ Đốc nhân đừng cho rằng Bắc Hàn là vùng đất “đóng kín” với Phúc Âm.

Việc đưa Kinh Thánh từ Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Nga vào Bắc Hàn là bất hợp pháp. Dù vậy, VOMK vẫn đưa trung bình 40.000 quyển Kinh Thánh vào Bắc Hàn mỗi năm – dù vì lý do an ninh, Foley không thể tiết lộ cách thực hiện.

Họ thường gửi từng quyển một hoặc hai quyển, và có thể mất cả năm để đưa một quyển Kinh Thánh vào khu vực khó tiếp cận. Nhóm của ông dùng “trận chiến dài hạn,” lập kế hoạch trước nhiều năm, luôn có các phương án dự phòng để không bị gián đoạn.

Theo Sách Trắng Tự Do Tôn Giáo năm 2020 của Cơ sở Dữ liệu Nhân quyền Bắc Hàn, số người ở Bắc Hàn từng được nhìn thấy Kinh Thánh đã tăng 4% mỗi năm kể từ năm 2000.

“Ngày nay, có nhiều người Bắc Hàn nhìn thấy Kinh Thánh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử – kể cả giai đoạn Phục Hưng Bình Nhưỡng đầu thế kỷ 20,” Foley chia sẻ.

Ông tiếp tục cầu nguyện cho các tín hữu ngầm tại Bắc Hàn. Theo ông, trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào để phục vụ người dân nơi đó, điều đầu tiên chúng ta cần làm là hỏi họ rằng: “Điều gì thực sự hữu ích cho các anh chị em?

Bài: Angela Lu Fulton; dịch và biên tập: Hạ Nắng
(Nguồn: christianitytoday.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này